Da bị cháy nắng phải làm sao? Cách xử lý khi da bị cháy nắng
Ngày cập nhật:
Tham vấn y khoa:
Da bị cháy nắng là tình trạng mà nhiều người gặp phải hiện nay do nền nhiệt cả nước trong những ngày gần đây đều khá cao, tình trạng nắng nóng 39 – 40 độ xuất hiện ở nhiều nơi. Vì vậy, không ít người bị cháy nắng do tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời gây ra, khiến da bị tổn thương, đau rát hoặc phồng rộp, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như đời sống sinh hoạt. Trong bài viết dưới đây, các chuyên gia sẽ mách bạn cách xử lý khi da bị cháy nắng một cách hiệu quả và an toàn.
Da bị cháy nắng là gì?
Da bị cháy nắng hay bỏng nắng là hiện tượng của phản ứng viêm ở lớp ngoài cùng của da với các tổn thương do tia cực tím (tia UV) gây nên. Theo đó, da của con người có chứa sắc tố melanin, là sắc tố mang lại màu sắc cho da cũng như bảo vệ da trước tia nắng mặt trời bằng cách làm tiêu tan hơn 99.9% tia UV hấp thụ. Vì vậy, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu, cơ thể sẽ bắt đầu sản sinh ra sắc tố melanin nhằm bảo vệ da, đây cũng là lý do làn da trở nên tối màu hơn.
Cháy nắng là dấu hiệu tổn thương tế bào của da. Theo đó, ở những người có ít sắc tố Melanin khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làn da sẽ không được bảo vệ kéo dài, gây nên hiện tượng da sưng đỏ, đau rát, thậm chí là phồng rộp…hay còn được gọi là cháy nắng.
Dấu hiệu nhận biết da bị cháy nắng
Khi bị cháy nắng, da của bạn sẽ có những triệu chứng sau đây:
- Đỏ da: Khi tia UV chiếu quá lâu lên da sẽ khiến cho các mao mạch máu bị vỡ hoặc giãn ra gây nên tình trạng đỏ da, đau rát da.
- Da không đều màu: Tại những vùng da tiếp xúc với tia cực tím, các sắc tố melanin sẽ được sản xuất ra nhằm bảo vệ làn da nên sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện nám, tàn nhang và đốm màu nâu.
- Da khô sạm: Nhiệt độ cao khiến da bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tình trạng bị bong tróc và chảy máu.
- Da có thêm nhiều nếp nhăn: Đây là dấu hiệu của quá trình lão hóa do các sợi collagen và Elastin của da bị phá vỡ.
- Da phồng rộp: Khi bị bỏng nắng nặng, vùng da có thể bị bỏng rộp, thậm chí có mủ rỉ ra. Đây là trường hợp nặng nên người gặp phải cần hết sức lưu ý.
- Ngoài ra, ở những trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và tổn thương trên diện rộng.
Cách xử lý khi bị cháy da ngày hè từ chuyên gia
Mặc dù hầu hết tình trạng bỏng nắng, cháy nắng đều được xếp vào mức độ bỏng da độ một, tức là mức độ nhẹ nhất. Tuy nhiên điều này nếu không được xử lý đúng cách có thể để lại sẹo cho da, làm mất tính thẩm mỹ.
Chưa kể đến việc, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bị cháy nắng nhiều lần có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho da. Các chuyên gia sức khỏe nhận định ngay cả khi không có cảm giác bỏng rát thì phơi nắng cũng có thể làm tăng nguy cơ lão hóa sớm hoặc ung thư da. Chính vì vậy, nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần hết sức lưu ý và có phương án xử lý kịp thời.
Theo các chuyên gia, để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như: đau rát, ngứa ngáy do bị cháy nắng cũng như bảo vệ làn da của bản thân, bạn cần tiến hành thực hiện xử lý như sau.
1. Rửa sạch vùng bị bỏng khi da bị cháy nắng
Nếu cảm thấy vùng da bị cháy nắng, bước đầu tiên mà bạn cần làm là rửa sạch vùng da đó bằng cách dùng khăn mát và ẩm để chườm lên. Lưu ý không nên chà xát quá mạnh vì có thể làm tổn thương nặng hơn cho da, gây đau rát hoặc kích ứng.
Bạn cũng không nên sử dụng nước quá lạnh vì khi vùng da bị thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm giảm tốc độ phục hồi và gia tăng nguy cơ tổn thương do tê cóng trên vết bỏng. Tốt nhất, nên rửa vết bỏng dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình trong nước mát vừa phải để làm giảm nhanh tình trạng đau rát, khó chịu.
2. Da bị cháy nắng nên đến gặp bác sĩ nếu vết bỏng bị phồng rộp
Ở những bệnh nhân không bị phồng rộp, bong tróc da do cháy nắng, có thể bỏ qua bước này. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chữa bỏng nắng dưới dạng thoa nhằm giúp phục hồi da cũng như ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự mình chọc vỡ những vết phồng rộp vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
3. Bôi gel lô hội hoặc kem dưỡng ẩm là cách chữa da bị cháy nắng
Gel lô hội hay kem dưỡng ẩm là những chất đặc biệt cần thiết,giúp làm mát vết cháy nắng và phục hồi da nhanh hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những bệnh nhân bị cháy da nếu sử dụng gel lô hội để thoa vào vết bỏng sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn trung bình 9 ngày so với những người khác. Vì vậy, đây là một trong những cách xử lý cháy da ngày hè oi nóng đơn giản, hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua.
Lưu ý rằng không nên dùng lô hội hoặc kem dưỡng ẩm cho những vết thương hở. Để tăng cường hiệu quả, bạn nên để kem dưỡng ẩm, lô hội trong tủ lạnh vừa có tác dụng làm mát, vừa giảm đau hiệu quả.
Bạn cũng cần lưu ý đến các thành phần trong kem dưỡng ẩm bởi một số chất có thể gây kích ứng cho da. Tuyệt đối không sử dụng thuốc mỡ, bơ hoặc bất cứ loại dầu nào lên vùng da bị cháy nắng. Do đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
4. Uống nhiều nước có thể làm giảm da bị cháy nắng
Da bị cháy nắng sẽ làm cho tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống các loại nước ép trái cây giàu vitamin A, C, E như: nước cam, nước chanh, cà chua, bưởi… để tăng cường sức đề kháng, giúp khỏe đẹp da.
5. Tránh tiếp xúc với ánh mặt trời trong quá trình phục hồi
Khi da đang bị tổn thương, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh mặt trời nhằm tránh gây ra các tổn thương nặng nề hơn. Trong trường hợp bắt buộc phải ra đường vào thời điểm nắng nóng, cần thoa kem chống nắng và che chắn cẩn thận bằng quần áo, mũ.
Bạn nên chọn các loại vải có chất liệu thoáng khí, dễ chịu và rộng rãi để che chắn. Tránh dùng len hoặc các đồ da bóng vì dễ bắt nắng và hấp thụ nhiệt. Các chuyên gia luôn khuyến cáo mọi người hạn chế ra đường từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều, bổ sung đủ nước và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Thông thường, các trường hợp bị cháy nắng đều từ khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, ở những trường hợp bị phồng rộp, thời gian phục hồi có thể lâu hơn. Bạn cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh vùng da bị tổn thương nhằm rút ngắn thời gian phục hồi và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Cách phòng ngừa cháy nắng hiệu quả hiện nay
Để tránh bị cháy nắng trong những ngày hè này, các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện một số lưu ý sau đây:
- Tránh đi ra ngoài trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều vì đây là thời điểm nhiệt độ và chỉ số tia UV ở mức cao nhất
- Trường hợp phải đi ra ngoài cần bôi kem chống nắng, mặc quần áo bảo hộ dày dặn, bao gồm cả mũ và kính râm
- Uống đủ nước cho cơ thể là biện pháp hữu ích nhằm giúp hệ bài tiết và tiêu hóa hoạt động tốt, cung cấp đủ nước cho da tránh tình trạng say nắng, cháy nắng
- Bổ sung các loại hoa quả, nước uống trái cây giàu vitamin A, C, E để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp da chắc khỏe và ngăn ngừa tình trạng lão hóa
- Một số loại thuốc có thể làm cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời như thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường…Vì vậy, người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ để có được những lời khuyên hữu ích.
Bạn có thể muốn biết: Nước uống giải nhiệt mùa hè dễ làm tại nhà
Trong những ngày hè nắng nóng 39 – 40 độ như hiện nay, việc nắm bắt được những biện pháp phòng tránh và xử lý tình trạng cháy nắng là điều vô cùng cần thiết. Hy vọng với những chia sẻ của các chuyên gia trong bài viết đã giúp bạn đọc có thể chăm sóc sức khỏe và làn da của bản thân an toàn hiệu quả.